Xuất Khẩu Nông Lâm Thủy Sản Vượt Kỷ Lục Ở Việt Nam

Xuất Khẩu Nông Lâm Thủy Sản Vượt Kỷ Lục Ở Việt Nam

11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 90,26 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8%; nhập khẩu khoảng 41,22 tỷ USD, tăng 6,9%.

11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 90,26 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8%; nhập khẩu khoảng 41,22 tỷ USD, tăng 6,9%.

THỦY SẢN "ĂN MỪNG", GỖ KHÔNG ĐẠT MỤC TIÊU

Thế giới đầy biến động khôn lường, cuốn theo sự bất ổn đến từng quốc gia, địa phương, ngành nghề. Đầu năm 2022 xung đột ở Đông Âu diễn ra với kịch bản không ai ngờ tới, sự khốc liệt và kéo dài của nó đã khiến thế giới rơi vào lạm phát. Nguyên nhân sâu xa từ đứt gãy một số chuỗi cung ứng khá cơ bản như năng lượng, lương thực, phân bón…

“Ngành chế biến thủy sản xuất khẩu của ta gặp khó từ tình hình này và còn từ sự cạnh tranh quốc tế gay gắt. Dòng tiền các doanh nghiệp chúng ta bị đình trệ, khó mà hoàn tất kịp thời trách nhiệm với nơi cung ứng vốn, khó chồng thêm khó”, TS. Hồ Quốc Lực nói.

Tuy nhiên, khó khăn chính là bạn đường “chung thủy” của doạnh nghiệp và cộng đồng doanh nhân chúng ta đã từng đối đầu nhiều lượt khó khăn không nhỏ. Nhưng ngành thủy sản đã vững vàng, đã tăng trưởng trong tiến trình dài. Khó khăn chỉ giúp ngành thanh lọc đội ngũ và lực lượng còn lại thêm tinh nhuệ. Nỗ lực vượt gian nan, ngành thủy sản đã tổ chức Lễ ăn mừng mốc kỷ lục kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD vào cuối tháng 11/2022.

Đối với ngành gỗ, năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam chỉ đạt 14,8 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 15,5 tỷ USD.

Gam màu sáng nhất trong khối ngành nông lâm thủy sản năm 2022 là ngành thủy sản với kim ngạch xuất khẩu lập kỷ lục 11 tỷ USD, tăng 23,5% so với năm 2021. Trong đó: xuất khẩu tôm lập kỷ lục 4,3 tỷ USD; cá tra đạt kỷ lục 2,5 tỷ USD.

Nói về kết quả này, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết ngành gỗ chưa năm nào gặp nhiều khó khăn và thách thức như năm nay. Chi phí đầu vào tăng, lượng hàng tồn kho đang ở mức cao khiến doanh nghiệp gỗ gặp khó chồng khó.

Xuất khẩu gỗ vẫn tăng trưởng mạnh trong quý 1/2022, tuy nhiên kể từ đầu quý 2/2022 hoạt động xuất khẩu bắt đầu chậm lại và gần như đình trệ cho đến thời điểm quý 4/2022. Nguyên nhân do lạm phát tăng cao tại các thị trường lớn là Hoa Kỳ, EU, người dân ưu tiên chi tiêu cho lương thực thực phẩm, cắt bỏ chi tiêu những hàng hóa không thiết yếu. Dẫn đến nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ sụt giảm.

Nhìn về triển vọng năm 2023, ông Vũ Tiến Thập, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nội thất D’Furni, cho biết nếu như các năm trước, thời điểm này các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ đã nhận được đơn đặt hàng cho cả nửa đầu năm sau, thế nhưng hiện tại Công ty không có đơn hàng từ nay cho đến 6 tháng đầu năm 2023.

Theo nhân định của ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), với tình hình lạm phát đang còn cao, tất cả chuỗi bán lẻ chưa dám đặt hàng nên có thể từ tháng 1 đến tháng 5/2023, tăng trưởng chưa thể bằng được nhịp của năm 2022. Hy vọng đến tháng 6, nếu kiểm soát được lạm phát thì nguồn lực phát triển sẽ dành cho nửa cuối năm 2023.

Nhìn lại năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song nhiều nhóm sản phẩm trong ngành nông lâm thủy sản đã thiết lập mốc kim ngạch kỷ lục mới, điển hình là: thủy sản, đồ gỗ, gạo, cà phê, cao su.

Xuất khẩu gạo năm 2022 đạt gần 7,3 triệu tấn, đem về 3,54 tỷ USD, tăng 16,3% về khối lượng và tăng 6,9% về giá trị so với năm 2021. Kết quả này vượt xa kim ngạch xuất khẩu gạo 2,63 tỷ USD năm 2020 và 2,88 tỷ USD năm 2021. Năm ghi nhận xuất khẩu gạo đạt kỷ lục cao nhất trước đó là năm 2012 với khối lượng xuất khẩu 7,72 triệu tấn, trị giá 3,5 tỷ USD. Như vậy, tuy khối lượng gạo xuất khẩu chưa cao bằng năm 2012, nhưng kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2022 vẫn cao nhất từ trước tới nay.

Năm 2022, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều thuận lợi khi khách hàng mua gạo truyền thống là Philippines đã tăng nhập khẩu từ 2,9 triệu tấn lên 3,4 triệu tấn. Một số quốc gia châu Âu có xu hướng nhập khẩu gạo nhiều hơn thay thế cho nguồn cung lúa mì bị sụt giảm mạnh vì xung đột Nga – Ukraine. Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong năm 2022 đạt 485 USD/tấn, cao nhất thế giới, vượt xa các đối thủ Ấn Độ và Thái Lan.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất bình quân của Việt Nam tăng cao là nhờ sự dịch chuyển mạnh sang phân khúc gạo thơm và gạo chất lượng cao. Phân khúc gạo thơm và chất lượng cao của Việt Nam được sản xuất từ giống lúa: ST24, SR25, OM18… là những giống không có một nước xuất khẩu gạo nào có thể thay thế được.

Xét về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản trong năm 2022, các thị trường châu Á chiếm 44,7% thị phần, châu Mỹ 27,4%, châu Âu 11,3%, châu Đại Dương 1,7% và châu Phi 1,7%. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 13,3 tỷ USD, chiếm 25% thị phần. Đứng thứ 2 là Trung Quốc khoảng 10,05 tỷ USD, chiếm 18,9% thị phần; thứ 3 là Nhật Bản với giá trị đạt 4,2 tỷ USD, chiếm 7,9%; đứng thứ 4 là Hàn Quốc với giá trị đạt 2,5 tỷ USD, chiếm 4,7%.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam